CÓ HẸN VỚI AUSTRALIA (P4 – MANLY BEACH – CHUYẾN ĐI HỤT VÀ ONE CENTRAL PARK)

Thật ra tôi vẫn luôn nghĩ mình từng tới Manly Beach cho tới khi viết những dòng này. Hóa ra việc viết lách về những chuyến đi cũng mang lại những bất ngờ mà ta không ngờ tới.

Trước khi chào tạm biệt và để lại chìa khóa cho tôi vào ngày đầu tiên gặp mặt, Albert hỏi tôi có ý định đi qua vịnh không, tôi trả lời ông tất nhiên rồi, đó là một trong những điều tôi chắc chắn sẽ làm khi tới Sydney. Ông mỉm cười hiền hậu rồi nói với tôi, vậy đừng đi du thuyền, giá một tấm vé lên du thuyền rất đắt đỏ, hãy đi như một người dân địa phương thực thụ, hãy đi phà qua vịnh ở Sydney. Rồi ông từ tốn lấy một tấm bản đồ nhỏ để sẵn trên mặt bàn đưa cho tôi và chỉ, hãy mua vé lên phà ở đây rồi đi qua Manly Beach, vậy là vừa có thể nhìn ngắm vịnh, vừa có thể dạo chơi ở 1 trong những bãi biển đẹp nhất Sydney rồi. Wowww, có lẽ bởi đây là lần đầu tiên tôi thuê nhà của người dân địa phương khi đi du lịch, vậy nên sự tư vấn đầy ý tốt của Albert khiến tôi cảm thấy khá bất ngờ. Tôi cảm ơn Albert, tạm biệt ông rồi chăm chú nhìn vào tờ bản đồ nhiều nếp gấp trên tay, có lẽ đã có nhiều cô gái, chàng trai và cả những gia đình du khách ở đây cũng đã nhìn nó như tôi, cũng đã cảm ơn Albert và cũng đã cảm thấy thật vui khi nhận được sự giúp đỡ ở một nơi mình lần đầu tiên đặt chân tới trong đời.

(Ảnh: Poster quảng cáo combo trọn gói từ Circular Quay tới Taronga Zoo)

Đứng loay hoay ở bến cảng Circular Quay, đập vào mắt tôi là vô số poster quảng cáo về các tuyến đi, các combo tới những địa điểm du lịch nổi tiếng của Sydney. Các gói đi phà trọn gói với Taronga Zoo, biển Manly, chụp hình với gấu túi Koalas ở vườn thú Wild Life Sydney và cả tour ngắm cá voi lưng gù khởi hành hằng ngày kéo dài 3 tiếng rưỡi. Có lẽ trong những tour du lịch ấy, cá voi lưng gù là hấp dẫn tôi hơn cả, vì nó cho tôi cảm giác được bước vào những thước phim của Discovery một cách chân thực nhất, sống trong những thước phim ấy và được chứng kiến tận mắt loài động vật to lớn nhất hành tinh. Đắn đo một hồi, tôi vào quầy vé hỏi vé cho tour đi ngắm cá voi của ngày hôm đó, anh chàng bán vé chỉ nhìn tôi cười rồi nói: “Hôm nay không có tour.” “Vậy ngày mai có không? Tôi sẽ quay lại.” Anh bán vé cảm thấy tôi hình như chưa hiểu ý anh ta, cười rồi giải thích lại cho tôi: “Tour cuối cùng đã kết thúc vào tháng 11 rồi.” “Vậy bao giờ sẽ có tour trở lại?” “Tháng 5.” Oh, ra là vậy, hàng năm từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 11, cá voi lưng gù sẽ di chuyển hàng nghìn km dọc theo bờ biển phía đông Australia giữa khu vực kiếm ăn vào mùa hè của chúng ở vùng biển Nam Cực đến nơi sinh sản trong mùa đông ở phía bắc, mỗi chuyến đi khứ hồi như vậy sẽ dài khoảng 10.000km. Trong suốt hành trình này, những con đực sẽ thường xuyên có những màn biểu diễn trên mặt biển thể hiện sự thống trị và gây ấn tượng với con cái để tìm bạn đời, vậy nên đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm cá voi ở khu vực New South Wales. Cảm thấy đôi chút tiếc nuối vì tới Sydney không đúng dịp để đi ngắm cá voi, tôi quyết định mua vé đi phà qua biển Manly.

(Ảnh: Đường dọc bờ biển Circular Quay và phà đi Manly)

Phà ở Sydney rất sạch và đẹp, gồm có 2 tầng, mỗi tầng đều có khu vực trong phòng và ngoài trời cho hành khách lựa chọn theo sở thích, do nhiệt độ ngày hè khá nóng nên tôi chọn ngồi ở khu vực trong phòng. Phà đi nhanh, từ trên phà có thể ngắm nhìn nhà hát Sydney Opera House từ nhiều góc độ khác nhau. Hôm đó là một ngày rực rỡ, bầu trời trong vắt, nắng chiếu lấp lánh trên mái vòm nhà hát, phản chiếu xuống mặt biển xanh ngắt, xa xa là những chiếc thuyền buồm lướt sóng thong dong trên mặt biển, tất cả là một bức tranh tráng lệ về sự hiện đại và giàu có của Sydney.

(Ảnh: Thuyền buồm lướt sóng trên vịnh ở Sydney)

Vừa xuống bến cảng ở Manly, tôi đã nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng ở các quầy bar bên bờ biển. Những bộ bàn ghế sơn trắng che dưới những cây dù cùng màu trắng muốt, được kê trên sàn gỗ đóng nổi trên mặt biển, tạo ra một vị trí tuyệt đẹp có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh trong xanh trước mắt. Hôm đó là ngày cuối tuần, các quầy bar đều kín khách, những nụ cười, những âm thanh của tiếng nói chuyện, tiếng cụng bia, tiếng rót rượu vang tạo nên một không khí vui tươi, sôi nổi cho ngày hè náo nhiệt.

Ra khỏi khu vực quầy bar, ngay bên phải cảng là một bãi biển với bờ cát trắng trải dài, nước xanh trong vắt. Bãi biển rất nhộn nhịp, đa số là các bạn teenagers, body rất đẹp đang tụ tập thành từng nhóm, bơi, chèo ván sub hoặc tập lướt sóng. Có vẻ như đã đến được đúng nơi cần đến, tôi cũng đi thay đồ rồi đắm mình trong làn nước trong xanh. Nhà thay đồ ở trong khu vực shophouse gần đó, rất sạch và lịch sự, cách bãi biển chưa đầy 5 phút đi bộ. Tôi đầy phấn khích chạy xuống biển, chỉ mong nước biển mát lạnh có thể làm nguội bớt cái nóng rát của mùa hè, nhưng vừa xuống nước, tôi bỗng rụt ngay chân, nhảy lùi lại một bước. Chu choa, nước lạnh dễ sợ, có lẽ nhiệt độ dưới nước phải thấp hơn nhiệt độ trên bờ tới 10°C. Có thể do không có thời gian tìm hiểu kỹ về biển Australia trước khi tới đây và cũng không thấy bài viết nào trên mạng đề cập tới vấn đề này, tôi không biết rằng nước biển ở đây khá lạnh, nguyên nhân do những dòng hải lưu lạnh được gió thổi vào. Ngoài ra sau này sau khi tìm hiểu, tôi còn được biết đó còn do hiệu ứng “Ekman transport“, là khi nước trên bề mặt bị đẩy ra biển theo một số hướng gió nhất định, nước lạnh hơn từ sâu đại dương sẽ được hút lên, dẫn đến giảm nhiệt độ của nước trên bề mặt. Ở dưới biển một lúc, thân nhiệt cũng dần quen với nhiệt độ nước biển, tôi đã có thể bơi nhưng cũng không thể ngâm mình trong nước quá lâu như ở các vùng biển khác. Khi người đã cảm thấy quá lạnh, tôi đành lên bờ sưởi nắng rồi trở về.

(Ảnh: Biển bên cạnh bến cảng Manly)

Tạm biệt bãi biển ở Manly, tôi quay trở lại trung tâm thành phố, để tới thăm One Central Park, một địa điểm mà tôi tìm thấy trong cuốn Sydney Guide lấy từ sân bay. One Central Park gây ấn tượng cho tôi bởi bức ảnh về một tòa nhà rất đặc biệt, phủ đầy cây xanh xen kẽ với những ô cửa kính tạo nên sự hiện đại nhưng vẫn rất gần gũi với thiên nhiên.

(Ảnh: Khu phức hợp One Central Park)

One Central Park là một khu phức hợp bao gồm trung tâm mua sắm với tầng trệt là shophouse và các quán cafe có không gian vô cùng đẹp, cùng 2 tháp dân cư. Vật liệu hoàn thiện ngoại thất của toàn bộ công trình chủ yếu là kính cùng với cây xanh, các tấm vật liệu “xanh” được tạo thành từ hơn 350 loài thực vật khác nhau. Trên các tầng cao nhất của công trình là một dầm console lơ lửng, được tạo thành từ mặt gương phản xạ, giúp thu giữ ánh sáng mặt trời và phản chiếu vào khu vườn của Công viên Trung tâm. Công nghệ thủy canh và kính định nhật – thực vật đã giúp ánh sáng được kiểm soát dễ dàng hơn, mở rộng đến những nơi trước đây không thể tiếp cận được. Đây là một công trình đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín về kiến trúc cũng như phát triển bền vững của Australia và thế giới.

(Ảnh: Chơi cờ ở công viên, bên ngoài một nhà hàng ở One Central Park)

Sau khi dạo chơi ở One Central Park, trời đã xẩm tối, tôi bắt xe đi về nhà. Ánh nắng chiều yếu ớt vạch những vạch vàng trên những con phố không còn tấp nập. Về đến nhà, tôi thả người trên đi văng khẽ nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng sóng đêm vỗ rì rào ngoài biển. Và có lẽ tôi sẽ còn chìm đắm mãi trong sự êm ái ấy nếu không bị cơn đói cồn cào sau một ngày rong chơi đánh thức. Và còn gì tuyệt hơn với một bữa tối có beefsteak bò Úc, salad, măng tây, blueberry, cherry và một chai vang đỏ. Đó là một ngày rất đẹp ở Sydney.

(Ảnh: Bữa tối thứ hai ở Sydney)

P/S: Khi viết lại quãng thời gian ở Sydney tôi mới phát hiện ra bãi biển tôi tới không phải là bãi biển Manly Beach mà là bãi biển cạnh cảng Manly, muốn tới biển Manly Beach phải đi bộ qua vài dãy phố nữa, nhưng thực sự bãi biển bên cảng đó đã để lại cho tôi những kỷ niệm rất đẹp ở Sydney. Đôi khi những sự vô tình, những câu chuyện không có trong kế hoạch lại để lại cho ta những trải nghiệm, những ký ức không thể nào quên.

Leave Comments

0902710986
0902710986