CÓ HẸN VỚI AUSTRALIA (P5 – ST. ANDREW’S CATHEDRAL)

“Sáng hôm nay là mồng 1 tết” – Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ tới khi mở mắt tỉnh dậy, phóng tầm mắt ra ô cửa sổ hướng biển, ngắm nhìn bầu trời hè Sydney trong vắt không một gợn mây. Vậy là tôi vẫn còn nhớ màn pháo hoa bắn trên vịnh tối qua, màn pháo hoa mà tôi chỉ có thể thưởng thức từ xa phía bên này bờ vịnh Darling Point ngay trước cửa nhà. Dù biết rằng Australia nổi tiếng với màn biểu diễn pháo hoa chào mừng năm mới hàng năm tại cầu cảng Sydney, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng sẽ có một màn pháo hoa đặc biệt khác dành riêng cho ngày tết Á Đông ở nơi đây. Dù cho sự hoành tráng của buổi biểu diễn ấy không thể nào so sánh được với đêm giao thừa nhưng có lẽ những bông pháo hoa đầy màu sắc đã mang lại cho tôi một niềm vui thật bất ngờ, một cảm giác được chúc mừng năm mới ngay trên đất nước xa xôi này.

Sáng mồng 1 ăn gì cho có không khí tết bây giờ? Kể ra nếu đi du lịch ở quốc gia khác chắc tôi cũng đã cầm theo ít đồ ăn Việt Nam cho có không khí tết ở nhà, nhưng sau khi được biết hải quan Australia cấm cầm theo rất nhiều loại thực phẩm, để không mất thời gian bị giữ lại ở sân bay, tôi quyết định không cầm theo bất cứ một loại đồ ăn nào từ Việt Nam. Loay hoay trong gian bếp của Albert, thứ duy nhất mang phong vị tết âm lịch mà tôi tìm thấy có lẽ là gói mì trường thọ của người Hoa. Với người Hoa, mì trường thọ là tượng trưng cho sức khỏe và tuổi thọ, sợi mì kéo càng dài tức là sự mạnh khoẻ, tuổi thọ sẽ càng cao. Vậy nên vào mỗi dịp sinh nhật, hay đầu năm mới, người Hoa sẽ ăn một tô mì trường thọ ngụ ý cho sự khỏe mạnh, may mắn và sống lâu trăm tuổi. Chính bởi vì ý nghĩa đặc biệt này, người chế biến sẽ không cắt sợi mì và người ăn cũng sẽ ăn một hơi hết cả sợi mì chứ không cắn đứt. Ngoài ra, trứng gà cũng sẽ được thêm vào tô mì trường thọ, tượng trưng cho sự viên mãn, vẹn tròn.

(Ảnh: Mì trường thọ của người Hoa)

Ăn sáng xong tôi ngồi nghĩ :”Mồng 1 tết làm gì cho ngầu bây giờ?” Có lẽ điều ngầu nhất sẽ là điều mà bạn luôn muốn làm nhất. Khoác lên mình một chiếc váy thật dài, quét thêm lên môi lớp son đỏ choét, tôi tự cười thích thú. Chắc cũng không ai dạo phố giống như tôi dưới bộ dạng thế này, nhưng cũng chẳng sao, tôi đang ở một đất nước mà tôi không biết ai và cũng chẳng ai biết tôi, tôi có thể quên đi những ràng buộc khắt khe hay ánh mắt hiếu kì của người qua đường nhìn tôi khi chụp ảnh. Và hôm nay là mồng 1 tết, hãy tự cho mình một ngày ngoại lệ, hãy làm gì đó mà bản thân cảm thấy thật vui. Và niềm vui của tôi có lẽ là khi tôi được khám phá điều luôn làm tôi thích thú nhất trong mỗi chuyến đi…

Khi đến thăm một vùng đất mới, điều làm tôi hứng thú nhất là kiến trúc của vùng đất đó. Với tôi, kiến trúc là sự thể hiện dễ nhận ra nhất của sự qui hoạch, của lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và hơn thế nữa, đó là sự tôn vinh giá trị lao động mà con người đã tạo ra. Những tòa nhà từ cổ điển tới hiện đại, những công trình văn hóa như nhà thờ, thánh đường, đền chùa, nhà hát, đài tưởng niệm đều không ngừng hấp dẫn tôi. Thực ra với kiến trúc, tôi chỉ là kẻ ngoại đạo, có lẽ những gì tôi nhìn thấy chỉ là vẻ đẹp, sự tinh tế, cách lấy không gian hay ánh sáng một cách hợp lý, nhưng điều đó cũng không làm giảm bớt sự đam mê muốn tìm hiểu của tôi. Với tôi khi nhìn vào những ngôi nhà ấy, những công trình ấy tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất về cuộc sống của người dân bản địa, những gì họ đã trải qua, đã sinh hoạt và gắn bó.

Có lẽ cũng chính bởi niềm đam mê ấy, điểm dừng chân đầu tiên của tôi trong buổi sáng ngày hôm ấy là nhà thờ Thánh Andrew.

(Ảnh: St. Andrew’s Cathedral)

Nhà thờ Thánh Andrew là nhà thờ lâu đời nhất ở Australia được xây dựng và hoàn thành năm 1868 bởi kiến trúc sư Edmund Blacket, đây là nhà thờ chính tòa của giáo phận Anh giáo Sydney, trụ sở của Tổng Giám mục Anh giáo Sydney và giám mục Metropolitan của New South Wales. Nhà thờ được xây dựng theo hình chữ thập truyền thống, có trục đông tây, cửa chính hướng tây và cung thánh ở hướng đông, lối kiến trúc này là biểu tượng của đức tin trong nhà thờ Thiên Chúa giáo.

Nhà thờ Thánh Andrew là một trong những ví dụ điển hình nhất của kiến trúc Gothic Revival cuối thời kỳ thuộc địa, đầu thời kỳ Victoria ở Sydney. Với sự lặp lại những đặc trưng của kiến trúc Gothic nguyên bản, Blacket đã thành công trong việc tạo ra một công trình mặc dù có kích thước nhỏ hơn so với nhiều nhà thờ lớn nhưng vẫn có sự tráng lệ và đồ sộ. Bên ngoài nhà thờ là một màu nâu ấm áp nhẹ nhàng với ngọn tháp đôi được lấy cảm hứng từ nước Anh. Tháp là một đặc điểm quan trọng trong kiến trúc Gothic, hai tòa tháp được thiết kế cân đối, trang trí bằng nhiều họa tiết tinh tế tạo thành từ những cửa sổ vòm nhọn đặc trưng cùng với bệ đỡ (buttressing) và nhiều chóp nhọn (pinnacles).

Bên trong nhà thờ, các cửa sổ kính màu được thiết kế lớn, chia thành nhiều ô nhỏ, gồm 3 lớp kính là kính màu (stained glass) và lớp kính bảo vệ của chúng. Nội thất nhà thờ được thiết kế hài hòa, tỉ lệ giữa các cột trụ, mái vòm, chiều cao của tường, cùng các hoa văn trang trí, chạm khắc bằng đá, tạo cho nhà thờ một tổng thể hòa hợp và thống nhất.

(Ảnh: Cửa sổ kính màu bên trong St. Andrew’s Cathedral)

Nhà thờ Thánh Andrew là một phần của Town Hall Group, là một nhóm các tòa nhà được xếp hạng di sản của Sydney. Đây là một trong những công trình nhà thờ phong cách Gothic Revival đẹp nhất ở New South Wales và là công trình nhà thờ nổi tiếng trong Giáo phận Anh giáo Sydney. Nhà thờ đại diện cho khát vọng và là tâm điểm của phần lớn cuộc sống ở Sydney cả trong và sau khi xây dựng. Việc hoàn thành xây dựng nhà thờ là một thành tựu quan trọng cho cả nhà thờ và thành phố Sydney. Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ cao với những cấu trúc được chế tác tinh xảo và chi tiết, nhà thờ còn mang trong nó giá trị tinh thần, ý nghĩa lịch sử và là sự phản ánh một cách sâu sắc đời sống người dân Sydney qua các thời kỳ lịch sử.

Sau khi dạo một vòng trong nhà thờ, tôi rảo bước ra ngoài khuôn viên. Bên ngoài có rất nhiều cây xanh với những chiếc ghế đá cong tròn trải dài dưới tán cây, đôi ba bạn trẻ đứng nói chuyện trong bóng râm của một mái hiên nhà, xa xa vài cô gái đeo kính tròn đang tựa lưng lướt nhẹ ngón tay trên trang sách dưới hàng cây cổ thụ, đàn bồ câu nhởn nhơ đi bộ trong sân. Nắng chiếu rọi qua những thân cây, gió khẽ thổi lay động những lá cây hãy còn non nớt, đó là một khung cảnh rất yên bình, rất Sydney.

(Ảnh: Bên ngoài khuôn viên St. Andrew’s Cathedral)

Leave Comments

0902710986
0902710986