Buổi sáng ngày thứ 2 ở Sydney tôi thức dậy từ rất sớm, kéo rèm cửa sổ cho những tia sáng ban mai tràn vào phòng. Tôi khoan khoái vươn vai rồi mở toang cánh cửa để ngắm nhìn rõ hơn những cánh buồm màu trắng đậu xa xa cách tôi chỉ một con đường. Gió mát lạnh mơn man trên da tôi, mùi hương thoang thoảng của những khóm hồng ngoài ban công đánh thức khứu giác tôi, tiếng chim hót líu lo trong những tán cây cổ thụ như khúc nhạc du dương chào ngày mới. Tôi nhắm mắt lại, hít sâu không khí trong lành còn mang cả hơi sương rồi chìm đắm trong buổi bình minh thanh bình ấy.
Bữa sáng đã chuẩn bị xong, tôi ngồi nhâm nhi ly café trong phòng khách, ngắm nhìn mặt biển sóng sánh ánh bạc với những chiếc thuyền buồm chuẩn bị ra khơi. Vừa cắn lát bánh mì kẹp trứng ốp la với thịt nguội thơm lừng, tôi vừa nghĩ khung cảnh này chắc còn đẹp hơn nhiều khung cảnh của những nhà hàng bán breakfast trên phố, giá được ở đây một thời gian dài chắc tôi sẽ dành nguyên cả 1 buổi sáng chỉ để ngồi phơi nắng đọc sách ngoài ban công, ngắm nhìn những cánh buồm, những con sóng và cả hàng cây rợp bóng mát trước nhà.
Tôi ra khỏi nhà lúc 6:15, tài xế đến đón tôi là một anh chàng gốc Trung Quốc đại lục, tôi có thể nhận ra qua cách phiên âm tên của anh. Lúc anh tới đón tôi, tôi nhìn chiếc xe rồi tự nghĩ: “Oh, nước Úc đúng thật giàu có, ở đây người ta đều dùng Porsche để chạy Uber sao?” và nhất là sau khi nhìn những phụ kiện trong xe một lần nữa thì tôi chỉ có thể thốt lên: “Chắc anh ấy chạy Uber vì đam mê?!!” Anh tài xế nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nói, nếu không phải vì bộ quần áo tôi đang mặc trên người chắc anh sẽ nghĩ tôi là người Trung Quốc. Tôi cười sảng khoái trả lời nếu anh ấy biết nói “Xin chào” có thể tôi sẽ nghĩ anh là người Việt Nam. Chúng tôi cùng cười. Và tất nhiên ngày hôm ấy, anh không thể nào nhầm tôi là cô gái một quốc gia nào khác, vì hôm đó tôi mặc áo dài để đi ngắm Sydney.
Tài xế thả tôi ở đài phun nước Allen C Lewis Fountain, nơi gần nhất để đi bộ tới Sydney Opera House – Nhà hát con Sò. Ngày tôi đến thăm Sydney Opera House là một ngày trong tuần nhưng du khách tới đây vẫn thực sự rất đông. Nhà hát Opera Sydney với những mái vòm cong khiến người ta liên tưởng tới những cánh buồm trắng muốt hay hình những con sò nổi lên trên cát, đã trở thành biểu tượng của thành phố này cũng như của cả nước Úc. Nhà hát là công trình trẻ tuổi nhất trong danh sách các di sản văn hóa thế giới và được xem là một trong những công trình có giá trị nổi bật trên thế giới, chiếm vị trí tương đương với các công trình nổi tiếng như Kim Tự Tháp ở Ai Cập, Taj Mahal ở Ấn Độ hay tháp Eiffel ở Pháp. Dường như tất cả những du khách tới đây đều phải ghé thăm nhà hát này ít nhất một lần.
Tôi đi bộ dọc theo quảng trường, ngắm nhìn công trình kiến trúc được đánh giá là một trong những thiết kế độc đáo nhất thế giới của thế kỉ 20. Nắng chiếu rọi trên những viên gạch màu kem lợp mái được sản xuất ở Thụy Điển với cơ chế tự làm sạch tự nhiên làm cho nhà hát mang một màu trắng tinh khôi, kiều diễm. Những vòm mái được thiết kế để gió biển có thể luồn vào bên trong càng làm nổi bật lên sự đặc biệt về vị trí của nhà hát bên bờ biển. Và bên trong nhà hát, nội thất hầu hết đều được làm từ đá granite hồng đắt đỏ khai thác ở Tarana, New South Wales. Tất cả những điều đó đã mang lại cho Sydney Opera House một vẻ đẹp sang trọng, quyến rũ và tinh tế.
Bên ngoài nhà hát, từ xa xa bên trung tâm mua sắm tới những bậc thang dẫn lên nhà hát, đâu đâu bạn cũng sẽ thấy những vị khách du lịch đang mải mê selfie, quay phim, chụp hình, và sẽ chẳng phải dễ dàng gì để bạn có thể tìm thấy một vị trí ưng ý chụp một tấm hình cho riêng bạn. Sau một hồi loay hoay để có một tấm hình đặc trưng của Sydney, đó là cách tôi gọi những bức hình được chụp với Sydney Opera House như một minh chứng mình đã tới nơi này, tôi tản bộ xuống cầu thang, đi dạo dọc theo bờ biển. Bờ biển ở đây được xây kiên cố, bên trên có gắn sẵn những miếng nệm cố định để du khách có thể ngồi lại nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Xung quanh là rất nhiều nhà hàng, quán bar với tiếng nhạc vui vẻ tạo nên một không khí sống động và trẻ trung. Trên bầu trời xanh ngắt, những chú hải âu đang bay lượn rồi đậu lên thành bờ biển, đậu trên cả lan can, khung cảnh ấy bỗng làm tôi bật cười khi liên tưởng đến cảnh những tên cướp biển trong cuốn “Đảo giấu vàng” đọc khi còn bé. Tất cả cảnh vật nơi này cho tôi một cảm giác vừa hiện đại vừa hoang sơ, vừa có nét đẹp của nhân tạo lại vẫn còn sự bảo tồn của tự nhiên.
(Ảnh: Nhà hát Opera Sydney)
Từ Syney Opera House phóng tầm mắt ra xa một chút bạn có thể nhìn thấy cầu cảng Sydney – Sydney Harbor Bridge. Cầu cảng Sydney là cây cầu thép lớn nhất thế giới, được bắc qua cảng Sydney, là công trình phục vụ xe lửa, xe cơ giới, xe đạp và khách bộ hành nối giữa khu thương mại trung tâm Sydney (Sydney CBD) và vùng North Shore. Cầu cảng Sydney cùng với nhà hát Opera Sydney là biểu tượng của Sydney và toàn nước Úc. Đây là nơi diễn ra chương trình bắn pháo hoa hằng năm đêm giao thừa, và cũng chính nhờ sự kiện đó đã giúp cây cầu trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của bất kì khách du lịch nào khi đến Sydney. Ngoài ra cầu cảng còn được biết đến như một không gian lãng mạn bậc nhất nước Úc. Kể từ khi khánh thành đến nay, cây cầu đã là địa điểm của hơn 5000 lời cầu hôn và hơn 25 cặp đôi đã tổ chức đám cưới ở đây. Cũng chính vì vậy, ban quản lý cầu đã cho ra đời tiện ích ERD – Engagement Ring Device hay thiết bị nhẫn cầu hôn, để giúp cho các cặp đôi tránh trường hợp đánh rơi nhẫn xuống cầu.
(Ảnh: Cầu cảng Sydney)
Tôi lưu lại bên bờ biển khá lâu, khách du lịch tới thăm Sydney Opera House và ngắm nhìn cầu cảng Sydney mỗi lúc một đông. Dưới biển những chiếc thuyền, chiếc phà hay ca nô vẫn tấp nập rẽ sóng đi qua vịnh. Bất chợt tôi cảm thấy sự vận động không ngừng nghỉ của thành phố nơi này. Có những khách lãng du như tôi, tới đây để tìm một phút giây bình lặng, một kỳ nghỉ ngắn ngày. Nhưng ở nơi đây, những con người đó, những dịch vụ đó vẫn đang làm việc và phục vụ liên tục mỗi ngày, chỉ để cho những du khách tới đây vì bất cứ lí do gì đi nữa, đều có thể có được những khoảng dừng ngắn ngủi trong cuộc sống vội vã này.